Làn sóng Unschooling, Homeschooling đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là sau tác động của đại dịch Covid-19. Thuật ngữ Unschooling, Homeschooling xuất hiện từ cuối những năm 1980 tại các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh. Vậy Unschooling là gì? Ưu và nhược điểm của Unschooling? Unschool khác gì so với cách học truyền thống và Homeschool? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn cũng như có sự so sánh rõ nét các khái niệm này.
Tìm hiểu thêm về Chương trình tú tài OSSD
1. Unschooling là gì?
Unschooling thường bị nhầm lẫn với Homeschooling. Vậy Unschooling là gì và xu hướng này đến từ đâu? Sự khác biệt giữa Unschooling và Homeschooling là gì?
Unschooling là một phương pháp giáo dục đặc biệt mà trẻ em sẽ học tập không theo một lịch trình cố định hoặc một chương trình học cụ thể nào như giáo dục truyền thống. Thay vào đó, các em sẽ học hỏi và phát triển bản thân thông qua các hoạt động vui chơi, khám phá thế giới tự nhiên, làm việc nhà, du lịch, đọc sách, hoạt động năng khiếu,… Do đó, có thể hiểu đặc trưng của Unschooling chính là sự nhấn mạnh việc học tập mang tính cá nhân hóa một cách tối đa. Mọi hoạt động học tập đều sẽ dựa trên nhu cầu, mong muốn của chính các em mà không theo một tiêu chuẩn cụ thể nào.
2. Nguồn gốc của Unschooling
Nhà giáo dục và tác giả người Mỹ – John Holt được xem là “cha đẻ” của Unschooling. Vào những năm 1970, phong trào giáo dục tại nhà hiện đại bắt đầu khi John Holt đặt câu hỏi về hiệu quả của trường học và tính bền vững của việc học ở trường. Ông hoài nghi về việc trường học quá tập trung truyền tải những kiến thức hàn lâm với một khung chương trình gò bó và cố định mà thiếu sự chú tâm vào các kiến thức khác liên quan trực tiếp đến đời sống. Từ đây, một triết lý giáo dục tại nhà, được gọi là Unschooling ra đời và trở thành một làn sóng tại các quốc gia châu Âu những năm sau đó, mặc dù phải mất vài thập kỷ nữa hình thức giáo dục này mới trở nên phổ biến.
3. Những hiểu lầm phổ biến về Unschooling
Tuy đã ngày càng được công nhận với những ưu điểm nhất định, tuy nhiên, hình thức học tập Unschooling vẫn còn gây nhiều tranh cãi và tồn tại nhiều định kiến, hiểu lầm phổ biến. Một vài quan điểm sai lầm thường gặp về Unschooling có thể kể đến như:
- Unschooling là không học gì cả: Điều này là sai, bởi trẻ em Unschooling vẫn được đáp ứng đủ điều kiện học tập như trẻ học trường truyền thống, chỉ là phương pháp tiếp cận giáo dục của trẻ Unschooling có phần khác khi nó không tuân theo các khung chương trình định sẵn với chuẩn đầu ra tương ứng và được công nhận bởi các tổ chức giáo dục.
- Unschooling không có bằng cấp: Trên thực tế, các nước phương Tây vẫn tạo điều kiện để trẻ Unschooling tham gia thi cử và được công nhận bằng cấp ở một số lĩnh vực hoặc bài thi chuẩn hóa nhất định nếu trẻ làm bài kiểm tra & đạt đủ tiêu chí.
- Unschooling chỉ dành cho trẻ thông minh: Unschooling không phụ thuộc vào trí thông minh hoặc kiến thức ban đầu của trẻ. Hình thức này có thể áp dụng cho tất cả trẻ em, điều quan trọng là trẻ phải có tính tự giác và tinh thần ham học cao độ để có thể tự quản lý việc học của mình.
- Unschooling là việc bỏ qua giáo trình và sách giáo khoa hoàn toàn: Unschooling không đồng nghĩa với việc loại bỏ hoàn toàn giáo trình hoặc sách giáo khoa. Thực tế, trẻ vẫn có thể sử dụng chúng khi trẻ cần và trẻ sẽ tự chọn lọc nội dung học tập theo nhu cầu, sở thích của mình.
4. Unschool khác gì so với cách học truyền thống?
Unschooling và học truyền thống có 3 điểm khác biệt quan trọng như sau:
- Cách tiếp cận học tập: Unschooling khuyến khích học tập dựa trên sở thích và tạo điều kiện cho học sinh tự quản lý học tập. Trong khi đó, học truyền thống dựa vào một chương trình giảng dạy cố định và thường có thời gian cố định.
- Môi trường học tập: Unschooling cho phép học tập xảy ra ở mọi nơi, trong khi học truyền thống thường diễn ra trong một lớp học.
- Tập trung vào sở thích cá nhân: Unschooling thúc đẩy sự phát triển cá nhân và tập trung vào sở thích riêng của học sinh, trong khi học truyền thống thường yêu cầu tuân thủ chương trình đã định.
5. Unschooling khác gì với Homeschooling?
Unschooling và Homeschooling đều là hai phương pháp giáo dục tại nhà nhưng chúng có sự khác biệt quan trọng về cách tiếp cận và triển khai. Vậy một cách tổng quan thì Unschooling khác gì với Homeschooling?
- Homeschooling là phương pháp giáo dục tại nhà mà ở đó phụ huynh hoặc người giám hộ trẻ sẽ tự giảng dạy cho trẻ theo một lộ trình cụ thể. Với Homeschooling, trẻ vẫn sẽ có kế hoạch học tập với các môn cơ bản như toán, nhóm môn khoa học, nhóm môn ngoại ngữ,… Hiện nay, các chương trình giáo dục phổ thông quốc tế mà các bậc phụ huynh thường sử dụng để homeschool cùng con bao gồm: IB, AP, A-Level, IGCSE, OSSD, hoặc ôn luyện SAT, ACT,…
- Unschooling khác với Homeschooling là hình thức này sẽ không có lịch trình học tập cụ thể hoặc chương trình học trình định sẵn. Trong Unschooling, trẻ được khuyến khích theo đuổi sự tò mò và đam mê cá nhân mà không phụ thuộc vào một kế hoạch học tập chặt chẽ nào.
Bên cạnh đó, Homeschooling vẫn có thể diễn ra song song với chương trình chính khóa tại trường, trong khi với Unschooling, trẻ hoàn toàn không tham gia vào một lớp học nào khác ngoài các buổi học tại nhà với gia đình.
Tóm lại, sự khác biệt chính giữa Unschooling và homeschooling là về mức độ linh hoạt và tự quản lý trong việc học tập của trẻ. Homeschooling có một kế hoạch học tập cụ thể, trong khi Unschooling tập trung vào việc trẻ tự quản lý và học dựa trên sự quan tâm cá nhân.
6. Ưu và nhược điểm của Unschooling
Unschooling thường được xem là một phương pháp giáo dục mang tính linh hoạt cao và hướng đến niềm hạnh phúc tuyệt đối của trẻ trong học tập. Tuy nhiên, hình thức này cũng vướng phải nhiều tranh cãi. Một số người cho rằng nó có thể hoạt động tốt cho một số trẻ, trong khi một số khác lo ngại rằng, việc thiếu một kế hoạch học tập cụ thể có thể dẫn đến sự hạn chế sự phát triển của trẻ ở chiều rộng lẫn chiều sâu của kiến thức. Cụ thể hơn, ưu và nhược điểm của phương pháp này như sau:
6.1. Ưu điểm của Unschooling:
Về phương diện ưu điểm, Unschooling giúp trẻ:
- Thúc đẩy sự tò mò và tinh thần tự học: Thay vì buộc trẻ phải học những nội dung cụ thể, Unschooling cho phép các bạn theo đuổi những sở thích và đam mê riêng, tự giác tìm kiếm các nội dung phù hợp với nhu cầu và mong muốn của mình trong học tập.
- Ứng dụng được nhanh chóng kiến thức vào cuộc sống hàng ngày: Unschooling không giới hạn học tập trong bốn bức tường, nó cho phép trẻ học từ các trải nghiệm hàng ngày, ví dụ như tham gia vào công việc gia đình, tham quan môi trường tự nhiên,… và từ đó, trẻ có thể nhìn thấy mức độ ứng dụng của những gì mình đã và đang học.
- Tập trung vào sự phát triển các năng lực riêng biệt: Unschooling giúp trẻ tập trung vào những mối quan tâm và sở thích cá nhân trong học tập, giúp các bạn phát triển sâu sắc trong lĩnh vực mà các bạn quan tâm, yêu thích và nhận thấy rõ năng lực của mình.
- Tự do, linh hoạt, không gò bó: Unschooling cho phép trẻ toàn quyền đưa ra lịch học của riêng mình và những nội dung mình muốn học mà không bị giới hạn trong phạm vi phòng học hay những bài tập về nhà.
- Khuyến khích sáng tạo và tư duy độc lập: Unschooling thường tạo ra không gian cho trẻ phát triển sự sáng tạo và tư duy độc lập. Thay vì tuân theo giáo trình tiêu chuẩn, trẻ có thể tự do thể hiện ý tưởng và tạo ra các sản phẩm hoặc dự án mang dấu ấn cá nhân.
Có thể thấy, việc học từ mọi thứ trong cuộc sống sẽ khiến việc học đối với trẻ trở nên ý nghĩa và thoải mái hơn rất nhiều – đây cũng là ý nghĩa mà Unschooling mang đến cho người học.
6.2. Nhược điểm của Unschooling:
Bên cạnh các ưu điểm, Unschooling cũng tồn tại những hạn chế nhất định. Một vài nhược điểm có thể kể đến như sau:
- Chương trình học thiếu cấu trúc: Không có chương trình giảng dạy cố định có thể khiến trẻ mông lung trong việc học và thiếu sự kết nối giữa các phần kiến thức có sự liên quan hoặc có thể tích hợp với nhau. Lúc này, tri thức mà trẻ học được dễ trở nên rời rạc và khó ghi nhớ.
- Không có lộ trình và đầu ra cụ thể: Rất nhiều người đã phản đối Unschooling vì phương pháp học này không đảm bảo “đích đến” chính xác trong tương lai của trẻ. Hình thức học tự do và “theo cảm hứng” khiến trẻ rất khó để trẻ có thể trang bị toàn diện về mặt kiến thức, kỹ năng,… khi đứng trước những bậc học cao hơn hoặc khi đối diện với cuộc sống của một người trưởng thành.
- Không có chỗ cho những kiến thức hàn lâm, trừu tượng: Càng lớn, trẻ càng cần phải được tiếp xúc với những kiến thức trừu tượng và khái quát hơn, cả về tự nhiên lẫn xã hội. Nếu chỉ nhìn nhận và đánh giá sự vật, sự việc dựa trên tính chi tiết mà quên đi tính toàn thể, trẻ sẽ dễ mất đi sự cân bằng và khách quan trong các nhận định.
- Khó khăn trong việc kiểm tra, đánh giá: Việc đánh giá trong học tập là một quy trình không thể bỏ qua bởi nó giúp chúng ta nhận định năng lực hiện tại của trẻ, qua đó kịp thời điều chỉnh, uốn nắn và bổ sung những kiến thức trẻ còn thiếu sót. Tuy nhiên, với Unschooling, việc đánh giá gặp rất nhiều khó khăn bởi nó không có lộ trình và mục tiêu từ đầu, khiến việc theo dõi tiến trình học tập trở nên phức tạp và khó kiểm soát hơn.
Tóm lại, Unschooling là một hướng tiếp cận giáo dục hiện đại và độc đáo, tập trung vào việc phát triển cá nhân và năng lực riêng biệt của học sinh. Điều này tạo ra sự khác biệt lớn so với học truyền thống và đòi hỏi sự tự quản lý hiệu quả từ gia đình cũng như bản thân các em.
Với những thông tin về ưu và nhược điểm của Unschooling và sự so sánh Unschool khác gì so với cách học truyền thống cũng như so với Homeschool, chắc hẳn phụ huynh đã có những hình dung mới mẻ hơn về một phương thức học tập phù hợp cho con em mình để giúp các em vừa nhận được sự công nhận bởi các văn bằng chứng chỉ uy tín, vừa phát triển được bản thân nhưng cũng vừa giảm được áp lực học tập, dễ dàng phát triển bản thân.
Trường Trinity Ontario High School là trường Trung học danh tiếng ở Ontario cung cấp chương trình Tú tài Bang Ontario trực tuyến để lấy bằng OSSD ngay tại Việt Nam. Để tìm hiểu thông tin về chương trình đào tạo trực tuyến của Trường Trinity Ontario High School, Quý phụ huynh hãy liên hệ hotline 0938 938 748 – 0901 823 132 để được du học ISA tư vấn chi tiết!